background preloader

Chữa viêm phế quản co thắt bằng Đông y

21 december 2018

Chữa viêm phế quản co thắt bằng Đông y

Chữa viêm phế quản co thắt bằng Đông Y như thế nào cho hiệu quả? Điều đó còn tùy vào tình trạng bệnh của từng người bệnh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ cách điều trị với từng tình trạng bệnh cụ thể như thế nào nhé!

Bệnh viêm phế quản co thắt là gì? 

Phế quản là một đường ống dẫn khí đi từ khí quản tới phổi. Phế quản bị co thắt khi toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm, chít hẹp do phù nề và co thắt.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm phế quản co thắt chủ yếu là do virus RSV làm hẹp tiểu phế quản trong phổi; các loại vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn hoặc do điều kiện dinh dưỡng kém là những yếu tố thuận lợi để phát triển bệnh lý này. Vậy cách chữa viêm phế quản co thắt bằng Đông y như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé!

Tùy bệnh cấp tính hay mãn tính mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:

Viêm phế quản cấp tính: Thường do phong hàn, phong nhiệt và khí táo gây ra.

Do phong hàn:

Triệu chứng: Thường gặp ở giai đoạn đầu của viêm phế quản cấp. Người bệnh ho, đờm trong lỏng, sắc trắng dễ khạc, kèm theo tắc mũi, chảy nước mũi trong. Toàn thân sốt, sợ lạnh, đau đầu, cảm giác đau mỏi người, không ra mồ hôi, khản tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu.

Phương pháp điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế, hóa đàm.

Bài thuốc: Hạnh tô tán gia giảm: hạnh nhân 12g, tô diệp 10g, trần bì 8g, chỉ xác 8g, tiền hồ 12g, cát cánh 10g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát, phục linh 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Do phong nhiệt:

Triệu chứng: Thường gặp trong viêm phế quản cấp hay đợt cấp của viêm phế quản mạn tính. Người bệnh ho, tiếng ho nặng, khạc đờm đặc hay vàng, miệng khát, họng đau, nước mũi vàng đục. Toàn thân: sốt cao, ra mồ hôi, sợ gió, nhức đầu, toàn thân đau mỏi; rêu lưỡi vàng mỏng, hoặc trắng mỏng, mạch phù sác.

Phương pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên thông phế khí.

Bài thuốc: Tang cúc ẩm gia giảm: tang diệp 12g, cúc hoa 12g,  liên kiều 16g, tiền hồ 12g, bạch hà 6g, hạnh nhân 12g, cát cánh 10g, cam thảo 6g, lô căn 8g, ngưu bàng tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Thể khí táo:

Triệu chứng: Người bệnh ho khan, ít đờm, họng khô, mũi khô, lưỡi khô. Toàn thân: phát sốt, sợ gió, đau họng, đôi khi ho có lẫn ít đờm, trong có tia máu. Rêu lưỡi vàng, đầu lưỡi đỏ, mạch phù.

Phương pháp điều trị: Nhuận táo dưỡng phế. Nếu ôn táo: sơ phong thanh nhiệt. Nếu lương táo: sơ tán phong hàn.

Bài thuốc: Tang bạch thang gia giảm: tang diệp 12g, hạnh nhân 12g, sa sâm 12g, xuyên bối mẫu 6g, đậu xị 12g, chi tử 8g, cát cánh 10g, tiền hồ 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Viêm phế quản mạn tính: Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính thường được chữa như viêm phế quản cấp. Nếu không trong đợt cấp thì viêm phế quản mạn tính thường phân chia thành 2 thể lâm sàng: thể đàm thấp và thể thủy ẩm.

Thể đàm thấp:

Triệu chứng: Người bệnh  ho và khạc đờm nhiều, đờm trắng dính, lỏng hoặc thành cục. Ngực bụng có cảm giác đầy tức, ăn kém, tinh thần mỏi mệt. Rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt.

Phương pháp điều trị: Kiện vận tỳ vị, táo thấp hóa đàm.

Bài thuốc: Kết hợp 2 bài thuốc Lục quân tử thang và Bình vị tán gia vị: đẳng sâm 12g, bạch truật 16g, phục linh 16g, cam thảo 4g, trần bì 8g, bán hạ chế 10g, thương truật 12g, hậu phác 12g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả, ngưu bàng tử 12g, hạnh nhân 12g, ý dĩ 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Thể thủy ẩm (hàn ẩm): Thường hay gặp ở người bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo giãn phế nang ở người cao tuổi, suy giảm chức năng hô hấp, bệnh tâm phế mạn.

Triệu chứng: Thường ho kéo dài hoặc hay tái phát, khó thở khi trời lạnh thì ho tăng lên khạc ra nhiều đờm lỏng trắng. Khi vận động các triệu chứng trên tăng nặng. Khó thở nhiều thì nằm phải gối đầu cao. Toàn thân: sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược.

Phương pháp điều trị: Ôn phế, hóa đàm.

Bài thuốc: Tiểu thanh long thang gia giảm: ma hoàng 6-8g, quế chi 8g, tế tân 4-6g, can khương 6g, bán hạ chế 12g, ngũ vị tử 6-8g, bạch thược 12g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều.

Bài thuốc : Lá trầu không và mật ong

Nguyên liệu chuẩn bị:

§  Lá trầu không:10 gr

§  Mật ong: 3-4 thìa

Cách thực hiện: Rửa sạch lá trầu, thái nhỏ và cho vào bát ăn cơm giã nhuyễn. Sau đó, đổ nước sôi vào bát đựng lá trầu đã giã ngâm trong 20 phút, vò sạch và vắt kiệt nước. Tiếp tục, gạn nước lá trầu qua màng mỏng rồi cho 3-4 thìa mật ong vào trộn đều. Uống ngày 2 lần sau bữa ăn khoảng 30 phút. Bệnh nhân bị viêm phế quản nên thực hiện bài thuốc này trong 8-10 ngày, ngừng 1 tháng và tiếp tục uống lại.